Độ hút nước của gạch ceramic, porcelain

Độ hút nước của gạch ceramic, porcelain

Đây sẽ là bài viết thứ hai trong seri tìm hiểu về gạch ốp lát, hãy cùng Cơn Mưa Nhỏ tìm hiểu về độ hút nước của gạch nhé.

1. Độ hút nước của gạch Ceramic là gì?

Theo định nghĩa của tiêu chuẩn ISO 13006 (ISO 13006 Ceramic tiles — Definitions, classification, characteristics and marking), độ hút nước của gạch ceramic được định nghĩa như sau:

“Độ hút nước là phần trăm theo khối lượng mà nước/ hơi nước có thể thấm được vào xương gạch ở trạng thái khô. Độ hút nước được dùng để phân loại nhóm gạch.”

Ghi chú: Tiêu Chuẩn Việt Nam (TCVN) đang được lưu hành để kiểm soát chất lượng gạch cho thị trường Việt Nam, có cùng nội dung với tiêu chuẩn ISO13006 nói trên.

Từ một định nghĩ hết sức ngắn gọn, chắc các bạn cũng hình dung được phần nào sự quan trọng của thông số độ hút nước đối với chất lượng nói chung của gạch ceramic rồi đúng không?

2. Tại sao độ hút nước của gạch Ceramic lại quan trọng?

Có thể nói độ hút nước là đặc trưng cơ lý quan trọng nhất của gạch ceramic, và là thông số phản ảnh gần như toàn bộ các ứng xử của gạch ceramic đối với môi trường sử dụng thực tế. Nói một cách tổng quan, gạch ceramic có độ hút nước càng thấp thì khả năng chống thấm, độ bền, khả năng chịu uốn và chịu va đập càng cao.

Một điều khác cũng quan trọng không kém đó là tỷ trọng của xương gạch, hay nói một cách đơn giản hơn là “độ nặng” của gạch thành phẩm. Đương nhiên ở 2 viên gạch có cùng kích thước, cùng chiều dày; thì viên gạch nặng hơn chắc chắn sẽ tốt hơn viên nhẹ hơn trong hầu hết mọi trường hợp. Và một điều rất dễ để nhận ra, gạch có độ hút nước càng thấp thì tỷ trọng viên gạch đó càng cao. Điều này có thể giải thích một cách đơn giản: nước được hút phần lớn vào lỗ rỗng trong xương gạch, gạch càng nặng thì mật độ lỗ rỗng càng ít.

Ngoài ra, độ hút nước của gạch có liên hệ trực tiếp đến độ bền, khả năng chống chọi với sự khắc nghiệt của môi trường sử dụng. Đặc biệt là ở những quốc gia/ vùng lãnh thổ có sự chênh lệch nhiệt độ lớn giữa các mùa trong năm. Từ đó, việc lựa chọn gạch có độ hút nước thấp khi ứng dụng cho ngoại thất là rất cần thiết. Một ví dụ cho sai sót thường gặp khi chọn gạch lát nền sân thượng là: các bạn hay chọn các loại gạch phân khúc thấp để tiết kiệm chi phí vì cho rằng đây là không gian phụ; điều này rất dễ dẫn đến các hệ lụy thấm sau một thời gian sử dụng. Rõ ràng, việc hiểu về các đặc trưng cơ lý của gạch sẽ giúp chúng ta lựa chọn gạch phù hợp cho ngôi nhà thân thương đúng không ạ?

3. Cách xác định độ hút nước của gạch Ceramic:

3.1        Trong phạm vi phòng thử nghiệm:

Để giúp các bạn có cái nhìn rõ hơn về độ hút nước của gạch Ceramic, Cơn Mưa Nhỏ sẽ cố gắng mô tả một cách khái quát nhất về cách xác định độ hút nước của gạch Ceramic trong phạm vi phòng thí nghiệm; theo các tiêu chuẩn hiện hành như ISO 10545-3 (cùng nội dung với TCVN), ASTM C373…

Về cơ bản tất cả các phương pháp xác định độ độ hút nước của gạch Ceramic theo các Tiêu chuẩn hiện hành đều dựa trên phương pháp khối lượng. Toàn bộ các trang thiết bị thí nghiệm đều phải được hiệu chuẩn, thao tác thí nghiệm phải được thực hiện bởi thử nghiệm viên có chuyên môn theo trình tự qui định rất rõ trong tiêu chuẩn. Các bước thực hiện bao gồm:

  • Bước 1: Cắt nhỏ viên gạch thành kích thước mẫu thử nghiệm theo qui định. Sấy viên gạch đến trạng thái khô hoàn toàn. Xác định khối lượng khô của mẫu thử.
  • Bước 2: Ngâm mẫu thử ở Bước 1 vào nước, và sử dụng áp suất để “ép” nước vào sâu bên trong xương gạch cho đến khi mẫu thử bão hòa nước. Xác định khối lượng bão hòa nước của mẫu thử, lấy khối lượng này trừ đi khi lượng khô ở Bước 1 để xác định “khối lượng nước hút vào mẫu thử”.
  • Bước 3: Xác định độ hút nước bằng cách tính phần trăm nước hút vào so với khối lượng khô của mẫu thử ở Bước 1.
3.2        Ngoài phạm vi phòng thử nghiệm:
Bạn hoàn toàn có thể xác định được độ hút nước của gạch nếu có một vài thiết bị đơn giản như: cân có cấp chính xác đến 0,01g, một bếp gas, một chiếc chảo hoặc nồi, một chiếc xô chứa nước. Tất cả các thiết bị này có thể mua được trên thị trường với chi phí đầu tư vài triệu đồng, thực hiện với trình tự tương tự như ở Mục 3.1 là có thể xác định được một cách tương đối chính xác độ hút nước của gạch rồi. Tại Cơn Mưa Nhỏ, chúng tôi luôn đặt vấn đề đảm bảo chất lượng sản phẩm lên ưu tiên hàng đầu, trước khi đến tay khách hàng; do đó kiểm tra chất lượng sản phẩm đầu vào luôn là một bước quan trọng trong quy trình phục vụ khách hàng.
 

4. Phân nhóm gạch ceramic bằng độ hút nước theo mô tả:

4.1        Gạch không hút nước (impervious)

Gạch được phân thành nhóm gạch không hút nước, nếu độ hút nước của gạch thành phẩm ≤ 0,5%. Đây là nhóm gạch được gọi là gạch porcelain.

4.2        Gạch sứ (vitreous)

Gạch được phân thành nhóm gạch sứ, nếu độ hút nước của gạch thành phẩm trong khoảng < 0,5% và ≤ 3%. Đây là nhóm gạch thường được gọi là gạch sứ.

4.3        Gạch bán sứ (semi-vitreous)

Gạch được phân thành nhóm gạch bán sứ, nếu độ hút nước của gạch thành phẩm trong khoảng < 3% và ≤ 7%. Đây là nhóm gạch thường được gọi là gạch bán sứ.

4.4        Gạch gốm (non-vitreous)

Gạch được phân thành nhóm gạch gốm, nếu độ hút nước của gạch thành phẩm trong khoảng < 7% và ≤ 20%. Đây là nhóm gạch thường được gọi là gạch gốm, gạch men.

Ghi chú: các tên gọi thông thường bên trên được Cơn Mưa Nhỏ sử dụng để các bạn dễ hình dung. Hoàn toàn có thể không chính xác với tên gọi tiếng Anh được qui định trong Tiêu Chuẩn, do có những sai khác về ngôn ngữ.

5. Phân nhóm gạch Ceramic bằng độ hút nước theo qui định của ISO và TCVN:

Theo qui định của ISO 13006, gạch Ceramic được phân thành 3 nhóm khi căn cứ theo độ hút nước, bao gồm:

  • Nhóm I – Nhóm hút nước thấp: độ hút nước ≤ 3%
  • Nhóm II – Nhóm hút nước vừa: 3 < độ hút nước ≤ 10%
  • Nhóm III – Nhóm hút nước cao: độ hút nước > 10%

Lưu ý: Việc phân nhóm bên trên và loại gạch các bạn thường nghe “gạch loại 1”, “gạch loại 2”, “gạch loại 3”,… Mà chúng ta vẫn thường nghe là hoàn toàn khác nhau nhé. Cơn Mưa Nhỏ sẽ dành hẳn một bài để viết về “Loại gạch”.

5.1        Nhóm I – Nhóm hút nước thấp: độ hút nước ≤ 3%

Đối với gạch sản xuất bằng phương pháp ép đùn:

  • Nhóm AIa: độ hút nước ≤ 0,5%
  • Nhóm AIb: 0,5 < độ hút nước ≤ 3%

Đối với gạch sản xuất bằng phương pháp ép áp lực cao:

  • Nhóm BIa: độ hút nước ≤ 0,5%
  • Nhóm BIb: 0,5 < độ hút nước ≤ 3%

5.2        Nhóm II – Nhóm hút nước vừa: 3 < độ hút nước ≤ 10%

Đối với gạch sản xuất bằng phương pháp ép đùn:

  • Nhóm AIIa: 3 < độ hút nước ≤ 6%
  • Nhóm AIIb: 6 < độ hút nước ≤ 10%

Đối với gạch sản xuất bằng phương pháp ép áp lực cao:

  • Nhóm BIIa: 3 < độ hút nước ≤ 6%
  • Nhóm BIIb: 6 < độ hút nước ≤ 10%

5.3        Nhóm III – Nhóm hút nước cao: độ hút nước > 10%

Tất cả gạch Ceramic có độ hút nước của gạch thành phẩm > 10% được phân thành Nhóm III – Nhóm hút nước cao.

6. Tổng kết:

Đến đây, chúng ta đã kết thúc bài viết về độ hút nước của gạch ceramic rồi. Hy vọng, với những chia sẻ trong bài có thể giúp các bạn hiểu rõ một chút nữa về việc chọn lựa gạch phù hợp với nhu cầu. Bài viết tiếp theo, Cơn Mưa Nhỏ sẽ viết về kích thước, và các sai số cho phép của gạch ceramic.

Bài viết được thực hiện bởi Thế Nguyễn, khi trích dẫn vui lòng ghi rõ nguồn conmuanho.com.vn.Tài liệu tham khảo: TCNA Handbook for Ceramic, Glass, and Stone Tile Installation, 2019; hình ảnh minh họa sưu tầm từ internet.

← Bài trước Bài sau →

HÃY LIÊN HỆ VỚI CHÚNG TÔI!

Chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ và tư vấn cho bạn để có sản phẩm tốt nhất

icon

Giao hàng nhanh chóng

Miễn phí cho đơn hàng trên 3 triệu

icon

Chính sách bảo hành

Bảo hảnh 12 tháng, đổi trả 15 ngày

icon

Hỗ trợ 24/7

Với các kênh chat, email, phone