Một trong những băn khoăn và quan tâm hàng đầu của chúng ta khi chọn lựa gạch cho ngôi nhà thân yêu, đó chính là khả năng chống trầy xước của bề mặt viên gạch. Thật ra bên cạnh các yếu tố về màu sắc, vân, hoàn thiện bóng hay mờ thì khả năng chống trầy xước của bề mặt gạch là rất quan trọng. Khả năng chống trầy xước quyết định trực tiếp đến yếu tố thẩm mỹ, cũng như công năng chống thấm của gạch thành phẩm trong quá trình sử dụng.
Để giúp các bạn hiểu rõ hơn về độ cứng bề mặt, hay nói cách khác là khả năng chống trầy xước của bề mặt gạch ceramic; Cơn Mưa Nhỏ rất vui được chia sẻ với các bạn bài viết về chủ đề này. Hy vọng, những thông tin bên dưới sẽ giúp các bạn có được sự lựa chọn ưng ý. Và quan trọng hơn nữa, chắc chắn khi hiểu về khả năng chống trầy xước của gạch; việc chăm sóc và bảo trì nền gạch trong quá trình sử dụng cũng sẽ trở nên dễ dàng, và an toàn hơn.
1 Độ cứng tuyệt đối (absolute hardness) của một bề mặt vật liệu:
Độ cứng (hardness) là mức độ đề kháng của một bề mặt vật liệu dưới tác dụng bên ngoài. Đối với gạch ốp lát nói chung, tác dụng bên ngoài thường là sự rạch, hay sự cào xước. Một vật liệu được coi là cứng hơn vật liệu khác nếu nó rạch, hay tạo vết xước được trên bề mặt vật liệu này. Độ cứng này được gọi là độ cứng tuyệt đối.
STT | Khoáng Vật | Độ Cứng Tuyệt Đối |
1 | Tan(Mg3Si4O10(OH)2) | 1 |
2 | Thạch cao (CaSO4•2H2O) | 2 |
3 | Đá canxit (CaCO3) | 9 |
4 | Đá fluorit (CaF2) | 21 |
5 | Apatit(Ca5(PO4)3(OH-,Cl-,F-)) | 48 |
6 | Octoclas felspat (KAlSi3O8) | 72 |
7 | Thạch anh (SiO2) | 100 |
8 | Topaz (Al2SiO4(OH-,F-)2) | 200 |
9 | Corundum (Al2O3) | 400 |
10 | Kim cương (C) | 1500 |
2 Độ cứng tương đối (relative hardness) của một bề mặt vật liệu:
Để thể hiện độ cứng tương đối (relative hardness) người ta sử dụng 10 khoáng vật chuẩn có độ cứng được sử dụng làm chuẩn cứng từ 1 đến 10, bộ khoáng vật này do nhà Địa lý học, Khoáng vật học người Đức Friedrich Mohs đề xuất vào năm 1812, đến nay vẫn sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực khoa học vật liệu và được gọi là thang độ cứng Mohs. Và trong ngành công nghiệp gạch ốp lát, cũng không có ngoại lệ khi thang độ cứng Mohs là một phương pháp nhanh và hiệu quả nhất, được công nhận trong hầu hết các tiêu chuẩn hiện hành để đánh giá độ cứng bề mặt gạch.
STT | Khoáng Vật | Độ Cứng Tương Đối/ Thang Mohs |
1 | Tan(Mg3Si4O10(OH)2) | 1 |
2 | Thạch cao (CaSO4•2H2O) | 2 |
3 | Đá canxit (CaCO3) | 3 |
4 | Đá fluorit (CaF2) | 4 |
5 | Apatit(Ca5(PO4)3(OH-,Cl-,F-)) | 5 |
6 | Octoclas felspat (KAlSi3O8) | 6 |
7 | Thạch anh (SiO2) | 7 |
8 | Topaz (Al2SiO4(OH-,F-)2) | 8 |
9 | Corundum (Al2O3) | 9 |
10 | Kim cương (C) | 10 |
Tại sao gọi Độ cứng thang Mohs gọi là độ cứng tương đối? Một cách dễ hiểu là độ cứng của các khoáng vật sẽ không tăng tuyến tính theo chuẩn cứng trong thang Mohs. Ví dụ: Kim cương có độ cứng là 10, sẽ không cứng hơn 5 lần Thạch cao có độ cứng là 2; mà cứng hơn rất rất nhiều lần.
Cơn Mưa Nhỏ sẽ ví dụ thêm một vài vật liệu thân thuộc hơn để các bạn dễ hình dung về độ cứng thang Mohs như sau:
- Móng tay chúng ta có độ cứng vào khoảng 2 đến 3.
- Vàng, bạc, đồng thường sẽ có độ cứng vào khoảng 3 đến 4
- Đồ dùng làm bếp thông thường như dao, muỗng, nĩa, thủy tinh thường sẽ có độ cứng vào khoảng 5 đến 6
- Thép thường sẽ có độ cứng vào khoảng 6 đến 7
Như vậy, dễ thấy nếu bề mặt gạch chúng ta có độ cứng thang Mohs là 7, thì các vật dụng thông thường trong nhà sẽ rất khó có thể làm trầy xước được bề mặt gạch. Và lưu ý, các tác động trầy xước này là vô tình gây nên, còn nếu chúng ta dùng kim loại và tác động có chủ đích với lực tác dụng lớn thì không còn gọi là trầy xước nữa.
Chúc các bạn lựa chọn được các sản phẩm gạch đẹp, quan trọng hơn là bền nữa nhé. Cảm ơn và hẹn gặp lại!
Bài viết được thực hiện bởi Thế Nguyễn, khi trích dẫn vui lòng ghi rõ nguồn conmuanho.com.vn.Tài liệu tham khảo: TCNA Handbook for Ceramic, Glass, and Stone Tile Installation, 2019; hình ảnh minh họa sưu tầm từ internet.